Chào mừng bạn đến với Website chính thức của Đồng hồ Nhà kho
Kinh nghiệm mua đồng hồ ODO - Lịch sử các tên gọi đồng hồ ODO

Kinh nghiệm mua đồng hồ ODO - Lịch sử các tên gọi đồng hồ ODO

Nhiều năm trở lại đây, đồ cổ được sử dụng nhiều trong trang trí nội thất. Phong trào sưu tầm đồng hồ cổ phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

 Người sưu tầm đồng hồ cổ không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí xã hội. Họ đến với đồng hồ bởi:

  • Yêu tiếng chuông ngân nga
  • Yêu thành tựu khoa học kỹ thuật cơ khí xưa.
  • Hay muốn tìm lại những giai điệu ngân nga êm đềm của ký ức.

Sở thích chơi đồng hồ cổ ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, đặc biệt là ở các vùng Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng….

Trước đây, đồng hồ có tên gọi chung là đồng hồ nội địa, nổi tiếng là dòng FFR, ODO, Junghans, Girod...Trong đó ODO được người chơi săn tìm và ưa chuộng nhất.

Trong bài viết này, mời anh em cùng Đồng hồ Nhà Kho tìm hiểu cách phân biệt theo tên gọi các loại đồng hồ cổ ODO.

Một chiếc ODO 54 / 10 gông 10 búa

Đồng hồ tủ ODO 12 gông 12 búa 3 bản nhạc hiếm gặp

ODO vai bò máy số 10

PHÂN BIỆT THEO TÊN GỌI ĐỒNG HỒ ODO

Anh em thường nghe đến ODO 54, ODO 57, ODO 36, máy trơn, máy dâu,…nhưng không phải người chơi nào cũng hiểu được nguồn gốc tên gọi hay phân biệt các loại máy theo tên gọi đó.

Theo đó, tên gọi với các loại đồng hồ cổ ODO phân chia thành 2 nhóm:

  • Theo năm trong cộng đồng sưu tập Việt Nam
  • Theo thông số kỹ thuật máy (Chiều dài tay lắc).

1/Tên gọi theo năm 

  • Chỉ có riêng ở thị trường đồng hồ Việt Nam.
  • Dùng để phân biệt các loại máy ODO 24.
  • Các cụ xưa gọi theo năm loại đồng hồ này theo năm xuất hiện phổ biến ở thị trường Việt Nam.
  • Bao gồm: 1954 - 1957 - 1958 - 1962 - 1968.

a. Máy ODO 1954

Đặc điểm nhận dạng: 

  • Máy có số 24 ở vách sau.
  • Vách máy chân kiềng vuông (Máy 57-58-62-68 chân vát)
  • Có thể có Logo ODO hoặc có chữ F kèm 2 hàng chữ giống máy 62
  • Búa tròn, đầu búa bằng da.

Các phiên bản của ODO 1954

  • Máy vách trơn
  • Máy vách hoa dâu
  • Máy vách kết hợp vừa trơn vừa hoa dâu

Các loại máy đồng hồ ODO 24

b. Máy ODO 1957

Đặc điểm nhận dạng: 

  • Máy dâu thô to, cọc máy và cần búa màu đen.
  • Có logo ODO.
  • Có số 24 phía sau máy kèm theo số 2 hoặc số 3 góc phải.
  • Búa vuông đầu da.
  • Odo 57/10 còn biết đến với câu cửa miệng “Máy vát vồ vuông gông 111”.

c. Máy ODO 58

Có rất nhiều tranh cãi quanh vấn đề máy ODO 1958. Bởi xưa kia, việc buôn bán không sẵn các phương tiện thông tin đại chúng để trao đổi thông tin như ngày nay.

Hơn nữa, các tên gọi thường là truyền miệng nên không mang tính phổ quát trong cả cộng đồng. Một số địa phương không có khái niệm ODO 1958 mà gọi chung hết thành 2 loại là 1957 và 1962.

Máy ODO 58 búa vuông, dâu thô không Logo ODO

ODO 1958 là loại máy cọc đen búa vuông có sự chuyển giao mang đặc điểm chung giữa 1957 và 1962, theo đó có một số khái niệm nhận dạng sau tuỳ anh em cân đối theo tên gọi:

Loại ODO 57/10 đánh gông 111 sộc lệch.

Loại ODO 62/10 dâu thô búa vuông

Loại 57/10 không có số 24.

Tuy nhiên tên gọi là gì không quan trọng. Cách gọi theo năm này cũng chỉ phổ biến ở cộng đồng chơi ODO tại Việt Nam. Đặt tên là gì do các bạn. Quan trọng hơn là các bạn mua gì, bán gì, giá bao nhiêu, chất lượng ra sao.

d. Máy ODO 1962 và ODO 1967

Một số nơi gọi chung 2 loại này là ODO 1962 cũng không có gì sai. Trong khuân khổ bài viết đưa ra quan điểm khách quan chứ không mang tính khái niệm.

ODO 1962

Đặc điểm nhận dạng:

  • Máy hoa dâu
  • Kích thước dâu thường mịn hơn ODO 57
  • Cọc máy đen
  • Búa tròn, Đầu búa bằng da
  • Không có Logo sau máy
  • Thường không có số 24 trên thân máy như ODO 57.

Nguyên nhân bản này không có số 24 do hoàn cảnh lịch sử giai đoạn sau này một số công xưởng lắp ráp đồng hồ được Pháp mở rộng trên đất Pháp và một số nước thuộc địa (Trong đó có cả Sài Gòn - VN chưa kịp hình thành) nên sự đóng số không tuân theo quy chuẩn nhà máy nữa.

ODO 1967

Đặc điểm nhận dạng:

  • Vách máy vàng nhạt hơn và hoa dâu mịn hơn ODO 62. sờ vào vách chỉ thấy các ô thụt vào chứ không ráp tay.
  • Cọc máy và cọc búa trắng.
  • Búa tròn đầu da hoặc đầu nhựa.
  • Vách máy có logo ODO như dòng 1957.
  • Có số 24 trên máy.

Các bác nhớ giùm là Chỉ có máy 24 gọi theo năm nhập khẩu. Máy ODO 30 và ODO 36 là gọi theo số ghi trên máy là thông số chiều dài tay lắc của hãng.

2. Tên gọi của Hãng ODO

Hãng ODO phân biệt tên đồng hồ do hãng sản xuất theo chiều dài tay lắc. Trong đó có các loại lắc phổ biến như: 10-20-24-30-36-39-98-110.

  • ODO 10 ở đồng hồ vai bò và ông Tây bé.
  • ODO 20 ở ông Tây to và một số loại máy ODO 3 lỗ.
  • ODO 24 phổ biến là các dòng máy trơn và máy hoa dâu như ODO trơn 1954, hoa dâu 1957, hoa dâu 1962.
  • ODO 30 thiết kế vách trơn.
  • ODO 36 với loại vách bệt, vách xoáy, vách cam, vách hở.

  • ODO 39 có kết cấu máy giống ODO 36 nhưng tay lắc dài hơn.
  • ODO 98 trở lên thường là đồng hồ tủ tạ xích.

Hầu hết các thông số này triện ngay sau máy, các bác có thể dễ dàng tìm thấy

Trừ một số trường hợp đặc biệt:

  • Máy chạy tóc vai bò và ông Tây đánh chuông size bé.
  • Máy 24 đời 1962
  • Một số dòng máy ODO 30 được ký hiệu A30 thay cho số 30.

Trong nội dung chia sẻ này, tôi tổng hợp các kiến thức về các loại đồng hồ ODO theo tên gọi. Hy vọng qua đó Quý vị có kinh nghiệm lựa chọn cho mình một chiếc đồng hồ ODO ưng ý hoặc tự tìm hiểu được đồng hồ mà gia đình hoặc người thân đang sở hữu thuộc loại nào, đời nào?

Để hiểu rõ về các loại đồng hồ ODO cổ, Nhà Kho sẽ cập nhật thêm nội dung "Phân biệt đặc điểm nhận dạng gông, thùng, mặt số của từng loại máy" trong các bài viết tiếp theo. Mời Quý vị đón xem!