Chào mừng bạn đến với Website chính thức của Đồng hồ Nhà kho
Phân biệt đồng hồ nội địa và đồng hồ tây

Phân biệt đồng hồ nội địa và đồng hồ tây

Trong quá trình sưu tầm đồng hồ, đặc biệt là những đồng hồ cổ treo tường có giá trị xuất xứ châu Âu như ODO, Junghans, mặt trờiR …. người chơi hay bắt gặp những câu hỏi:

  • Hàng nội địa hay hàng Tây?
  • Máy nội địa à, sao đen thế?
  • Đồng hồ này là hàng nhập khẩu hay hàng đông Dương?

Vậy rốt cục đồng hồ nội địa là gì? Đồng hồ nhập khẩu khác đồng hồ nội địa điểm nào? Mời anh em cùng Nhà kho tìm hiểu các khái niệm này qua bài viết dưới đây:

1. Xuất xứ

Đồng hồ nội địa hay đồng hồ Tây bản chất có cùng nguồn gốc xuất xứ nhưng khác nhau giai đoạn nhập khẩu vào Việt Nam.

Dưới đây là hình ảnh của một chiếc đồng hồ ODO chụp tại phòng khách xưa kia của Vua Bảo Đại

Đồng hồ odo của vua bảo đại

2. Khái niệm

Theo quan điểm của những người chơi đồng hồ xưa, những đồng hồ nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam giai đoạn 1990 trở về trước được gọi chung là đồng hồ nội địa.

Những đồng hồ nhập khẩu sau giai đoạn 1990 gọi chung là hàng nhập khẩu hay đồng hồ Tây. Tuy nhiên, không có ranh giới hay quy định cụ thể nào cho những khái niệm này.

Đồng hồ odo 10 gông

3. Nguồn gốc của đồng hồ nội địa

Đồng hồ nội địa xưa kia theo đường tàu biển du nhập vào Việt Nam bởi những người từ phương Tây qua Việt Nam tham gia công tác, làm việc hoặc truyền đạo: Sĩ quan Pháp, nhà truyền giáo và tầng lớp lao động trí thức.

Tên gọi khác của đồng hồ bản nội địa: Đồng hồ Đông dương, đồng hồ bãi.

  • Đồng hồ nội địa ngoại hình thường bị xuống cấp do những yếu tố sau:
    • Nhập khẩu bằng tàu biển không vỏ, ảnh hưởng bởi hơi mặn.
    • Dùng nhiều ở các vùng đồng bào ven biển nên bị ảnh hưởng bởi gió mặn, sương muối.
    • Sử dụng lâu năm ở Việt Nam là vùng lãnh thổ có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
    • Thường lắp trong những thùng đóng tại Việt Nam. Độ kín không cao.
    • Dung môi vệ sinh máy, dầu bôi trơn và quy trình bảo dưỡng không bài bản theo tiêu chuẩn của Nhà sản xuất.
  • Một số thương hiệu đồng hồ nội địa phổ biến:
    • Đồng hồ ODO.
    • Đồng hồ mặt trờiR (Còn gọi là đồng hồ mặt trời, đồng hồ Ave, đồng hồ Carillon).
    • Đồng hồ Junghans (Còn gọi là Gi Đức, Gi mỏ neo, Gi hoa thị, Gi mũi tên).
    • Đồng hồ Girod (Còn gọi là Gi Rô, Gi Pháp).
  • Nơi tập trung nhiều đồng hồ nội địa xưa.
    • Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thừa Thiên Huế … là nơi xưa kia tập trung nhiều Giáo sĩ phương Tây sang truyền đạo và có nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa nên phong trào giao thương và sử dụng đồng hồ Tây phát triển mạnh mẽ.
    • Tây Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang ….) do các lái buôn vùng Nam Định (Chủ yếu Hải Hậu, Giao Thuỷ …) buôn bán lên miền ngược. Họ mang theo những sản phẩm sẵn có của miền xuôi lên vùng cao để giao thương đổi bán (Gỗ, thành phẩm gỗ, thớt nghiến, lâm sản ….). Trong đó có đồng hồ cổ là món hàng được ưa chuộng đổi bán.
    • Sài Gòn xưa là nơi có điều kiện phát triển và tập trung nhiều sĩ quan quân đội Pháp và ảnh hưởng của di cư 1954-1955.
    • Vùng Đắk Lắk, Buôn Ma Thuật, Lâm Đồng, Đồng Nai … Do ảnh hưởng của cuộc di cư năm 1954-1955 của gần 310.000 bà con Giáo dân từ các vùng Bùi Chu, Phát Diệm … vào Nam (tiếng Anh: Operation Passage to Freedom, Chiến dịch Con đường đến Tự do). Họ mang theo đồng hồ và cả tình yêu với tiếng chuông ngân nga quen thuộc.

Máy đồng hồ ODO nguyên bản

ĐỒNG HỒ NỘI ĐỊA ĐỒNG HỒ TÂY NHẬP KHẨU
Về Việt Nam giai đoạn 1990 trở về trước Về Việt Nam giai đoạn sau năm 1990
Máy có màu xám đen Máy có màu vàng óng
Nhập khẩu qua đường tàu biển Nhập khẩu theo công, theo đường xách tay hoặc đường hàng không
Độ nguyên bản không cao, thường đi kèm vỏ đóng tại Việt Nam Độ nguyên bản cao
Mặt số có màu ngả vàng Mặt số còn nguyên lớp sơn, ít bong tróc
Bộ côn có dấu hiệu gỉ hoặc tróc lớp mạ Gông có màu xanh hoặc đen tím, gỉ ít
Xuất phát từ các vùng đồng bào ven biển hoặc những nơi xưa kia bị Thực dân chiếm đóng Xuất phát từ các vùng có sân bay, cảng biển, biên giới: Hà Nội, Hải Phòng, Long An, TP HCM …..

Kết luận

Ngày nay, người chơi thường chuộng hàng nhập khẩu hơn do độ mới và tính nguyên bản cao. Tuy nhiên, nghề chơi cũng lắm công phu. Nhiều người chơi vẫn tìm tòi cho mình những cỗ máy Đông dương nội địa cổ xưa bởi dù sao giá trị sưu tầm vẫn đặt cao hơn tĩnh hữu dụng. Những chiếc đồng hồ nội địa đã gắn bó bao đời với người Việt, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Từng nét số đường vân đã thấm đẫm hơi thở thời gian của đất trời Việt cũng xứng đáng lắm là con át chủ bài trong những bộ sưu tập đồng hồ của những người yêu và sưu tầm đồ xưa.

Hi vọng qua bài viết mà Nhàkho chia sẻ, các anh em có thể hiểu rõ hơn về 2 loại đồng hồ Tây và nội địa để lựa chọn món đồ ưng ý nhất. Trong thời gian tới, Nhàkho còn rất nhiều kiến thức hữu ích muốn gửi gắm tới anh chị em với sân chơi lành mạnh và hăng hái nhất để các bác trao đổi về các loại đồng hồ, phân biệt được những món đồ nào đáng tiền và có giá trị mà mua cho đúng, lựa cho chuẩn xác. Qua đó, rất mong nhận được những góp ý từ các bác để Nhàkho ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn.

Kính chúc anh chị em ngày mới Sức khoẻ và Thành công!
TRÂN TRỌNG – BQT Nhàkho.vn